Bài viết này sẽ lý giải nguyên nhân tại sao người ta thích chơi xổ số?
[dropcap]T[/dropcap]ại sao người ta chơi xổ số? Một mặt, câu trả lời thật rõ ràng: chúng ta sẵn sàng bỏ ra 10.000 đồng để đổi lấy hi vọng, dù là hi vọng phi lý, để có niềm vui mơ tưởng về những điều tốt đẹp sẽ đến nếu bỗng nhiên chúng ta có tiền chục tỉ trong tay.
Trong khi hầu hết những người chơi xổ số biết rằng họ sẽ không thắng (tỉ lệ thắng được tính toán thường lên tới phần triệu), tấm vé số là một cách thật rẻ tiền để mơ mộng giữa ban ngày, để mơ tưởng về một đời sống tốt đẹp hơn.
Không có gì ngạc nhiên, xổ số thường là trò chơi của dân nghèo. Những ai không có nhiều tiền thích tìm kiếm sự giải thoát đó hơn.
Ở Việt Nam chưa có thống kê, nhưng tại Mỹ, tạp chí công nghệ Wired dẫn lời chuyên gia thống kê Mohan Srivastava cho biết xổ số ở các bang đã trở thành một thứ thuế lũy thoái đánh vào người nghèo: những gia đình có thu nhập dưới 12.400 USD/năm chi hơn 5% thu nhập của họ cho xổ số.
Điều này nghe thật phi lý: những ai không có nhiều tiền lẽ ra nên tằn tiện hơn thay vì bỏ nó vào một trò đỏ đen mà họ trên thực tế không có cơ hội chiến thắng.
Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2008 của nhóm các nhà kinh tế học hành vi tại Đại học Carnegie Mellon đã giúp giải thích tại sao người nghèo thích chơi xổ số.
Vấn đề hóa ra chính là cảm giác nghèo khó. Những đối tượng tham gia chia thành ba nhóm: nhóm 1 được đưa mỗi lần 1 USD/người và được hỏi họ có muốn dùng tiền đó mua vé số không; nhóm 2 được cho 5 USD và được hỏi họ sẽ mua bao nhiêu vé số với khoản tiền đó; nhóm ba được thông báo họ có thể chi hết 5 USD cho vé số hoặc không mua gì cả.
Nhóm 1 USD có tỉ lệ mua vé số nhiều nhất, nhóm hai có tỉ lệ mua bằng nửa nhóm một, nhóm ba có 87% chọn giữ lại khoản tiền. Phát hiện của những nhà nghiên cứu nhất quán với “hiệu ứng tiền lẻ” trong tâm lý học. “Có những khoản tiền nhỏ tới mức người ta không để ý – Loewenstein nói với CNN – Vé số thì lại quá rẻ”.
Dù có là duy lý hay không, hàng triệu người vẫn lao vào cuộc đỏ đen này mỗi ngày, cầu nguyện sáu con số may mắn sẽ khớp với tấm vé số của họ.
“Mọi người đều thích được mộng – chuyên gia về hành vi con người, tiến sĩ Wendy Walsh, bình luận vào năm 2011 khi giải xổ số Mega Millions ở Mỹ lên tới mức kỷ lục 656 triệu USD – Chúng tôi gọi đó là phức cảm Cinderella, giấc mơ về một bà tiên sẽ xuất hiện cứu chúng ta”.
Các thống kê ở Mỹ cho thấy cơ hội thắng giải xổ số Powerball là 1/175,2 triệu, thấp hơn khả năng bị cá mập tấn công (11,5 triệu), bị ong đốt (6,1 triệu), bị sét đánh (3 triệu) và khả năng xuất hiện của một cặp sinh đôi dính liền (200.000).
Trong năm tài khóa 2012, doanh số xổ số ở Mỹ là 78 tỉ USD. Hơn một nửa người Mỹ có chơi xổ số trong năm 2015.
“Một phần sự hấp dẫn nằm ở chỗ tất cả bạn bè của chúng ta đều chơi” – theo tiến sĩ Stephen Goldbart, đồng giám đốc Viện Nghiên cứu về tiền bạc và các lựa chọn – “Chúng ta muốn hòa mình vào đám đông, muốn là một phần của “phong trào xổ số điện toán”, không muốn bị loại ra ngoài cuộc chơi đó.
Lý do thứ hai là niềm tin vào điều kỳ diệu, rằng bạn sẽ làm nên giấc mơ Mỹ, rằng bạn chỉ bỏ ra rất ít tiền nhưng thu lại rất nhiều, và bạn sẽ vượt qua tỉ lệ không tưởng để chiến thắng”.
Sự thiên vị người thắng cuộc
Xổ số cũng đi kèm một hiện tượng tâm lý được gọi là “sự thiên vị người thắng cuộc”: ta được nghe khắp nơi về một số ít ỏi những người trúng độc đắc, nhưng chẳng ai nhắc tới hàng triệu triệu người khác đã tiêu tốn một khoản tiền vô ích.
Cuối cùng, với những khách hàng quen thuộc của xổ số, họ đã mắc vào “cái bẫy xã hội”. Một số người đã có thói quen nhiều năm mua xổ số, có thể giành vài giải an ủi và thua hết trong những lần khác, nhưng họ nghĩ “mình không thể bỏ được, mình đã chơi 30 năm, ngày trúng độc đắc phải ở rất gần rồi!”.
Các sòng bài đã tận dụng rất tốt điều này bằng cách cho đăng “lịch sử kết quả” ở các bàn đỏ đen, nhưng về mặt khoa học thống kê, mỗi lần xổ số hay mỗi lần vòng roulette bắt đầu quay đều độc lập với nhau: máy điện toán và vòng roulette không có trí nhớ, nghĩa là khả năng thắng cuộc của bạn không tăng lên, dù bạn có chơi bao lâu đi nữa!